Giác
ngộ (zh. 覺悟, sa., pi. bodhi), danh từ được dịch
nghĩa từ chữ bodhi (bồ-đề) của Phạn ngữ, chỉ trạng thái tỉnh thức, lúc con người
bỗng nhiên trực nhận tính Không (sa. śūnyatā), bản thân nó là Không cũng như
toàn thể vũ trụ cũng là Không. Chỉ với trực nhận đó, con người mới thấu hiểu được
thể tính mọi hiện tượng. Tính Không hiểu ở đây không phải sự trống rỗng thông
thường mà nói về một thể tính vô biên không thể dùng suy nghĩ, cảm nhận để đo
lường, nằm ngoài cặp đối đãi có-không. Tính Không này không phải là một đối tượng
để một chủ thể tiếp cận đến vì bản thân chủ thể cũng thuộc về nó. Vì vậy, giác
ngộ là một kinh nghiệm không thể giãi bày.
Người
điển hình đã giác ngộ hoàn toàn mà tất cả các Phật tử đều công nhận là vị Phật
lịch sử Thích-ca Mâu-ni, cũng là người bắt đầu giáo hoá cho nên đạo Phật cũng
được gọi là "đạo giác ngộ".
Dù
rằng cái thể của tính Không là một, nhưng người ta cho rằng có nhiều mức độ
giác ngộ khác nhau. Nếu so sánh giác ngộ như phá vỡ một bức tường, thì có mức
giác ngộ như chỉ hé mở một lỗ nhỏ và giác ngộ như Phật Thích-ca là phá vỡ hoàn
toàn bức tường đó. Có vô vàn khác nhau giữa các mức giác ngộ, biểu hiện bằng sự
rõ ràng chính xác của thiền giả đạt được. Dựa trên kinh nghiệm của các bậc giác
ngộ, thế giới của sự giác ngộ không hề khác với thế giới hiện tượng của chúng
ta, tất cả đều là một, Hiện tượng-Tính không, Tương đối-Tuyệt đối. Kinh nghiệm
về cái tất cả là một này chính là kinh nghiệm về thể tính tuyệt đối đó. Trong
Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh (sa. mahāprajñāpāramitā-hṛdaya-sūtra) chỉ rõ "sắc
tức là không, không tức là sắc", tức là không hề có hai thế giới. Nhờ tình
trạng giác ngộ sâu xa, hành giả từ bỏ được cái Ngã. Trong Thiền tông, một khi
cái ngã đã chết ("đại tử") thì "đời sống" mới bắt đầu, đó
là một cuộc sống tự tại và an lạc.
Một
câu hỏi được rất nhiều người mộ đạo đặt ra cụ thể là: nhờ đâu mà người ta có thể
nhận ra được một Thánh nhân, một Bậc giác ngộ - với những giác quan của một
"phàm phu" - và theo người đó tu tập? Sách vở thường nói rằng, chỉ có
một Bậc giác ngộ mới nhận ra một Bậc giác ngộ, nhưng kinh nghiệm chung cho thấy,
người bình thường cũng có khả năng nhận ra được một người đã đạt một cấp bậc
siêu việt trên con đường tu tập qua các biểu hiện, qua bầu không khí xung quanh
người đó. Đó là một khung cảnh thái bình, tịch tịnh mà người nào cũng có thể cảm
nhận được, ngay cả thú rừng. Trong khung cảnh này thì tâm của con người không
còn bị những câu hỏi, hồ nghi quấy nhiễu - không phải vì chúng mỗi mỗi được giải
đáp mà vì chúng đã tự biến mất, tự huỷ diệt trong cái tĩnh mịch vô biên của
chân như. Trong đoạn văn dịch sau đây - do một triết gia người Đức
Veltheim-Ostrau viết - miêu tả cảm giác của ông trong bầu không khí và những hiện
tượng xung quanh một Bậc giác ngộ hiện đại, đó là Śrī Ramana Mahārishi
(1897-1950) tại Tiruvannamalai, núi Arunāchala ở miền Nam Ấn Độ (mahārṣi dịch
sát nghĩa là Đại Thấu Thị, một Đại nhân đã nhìn thấu suốt vạn sự):
"Tôi cảm nhận sự hiện diện của tất cả
mọi người, những động vật xung quanh, một bầu không khí thái bình, một sự yên tịnh
không tả nổi. Tôi đứng bên cạnh họ với một tâm trạng vô tư, hoàn toàn không
quen biết, nhưng với một tình thương ấm áp. Tâm trạng này không dễ miêu tả bởi
vì nó quá đơn giản, quá tự nhiên. Tôi chỉ cầu mong nhớ lại được trạng thái này
trước khi tôi qua đời.
Cặp mắt của tôi đang chú ý đến Ma-hā-ri-shi
ngồi yên nhập định thì một hiện tượng xảy ra, một hiện tượng mà tôi - mặc dù rất
ngại diễn tả lại - trình bày một cách khiêm nhường, ngắn gọn như tôi đã thật sự
chứng kiến. Thân hình màu đen thẫm của ông dần dần trở nên trắng và trắng hơn,
sau đó phát quang như được rọi sáng từ trong! Ban đầu tôi cho nó là một hiện tượng
tự ý gợi (en. autosuggestion), thôi miên (en. hypnosis) và lấy sổ tay, xem đồng
hồ để kiểm soát... Khi quay đầu nhìn lại - với cặp mắt vừa mới xem quyển sổ tay
xong - tôi vẫn thấy Mahārishi, một thân hình sáng rực đang ngồi trên một tấm da
cọp! Tôi nhìn vào mắt ông - mắt chạm mắt - nhưng bây giờ nỗi ngạc nhiên về ánh
sáng chói loà đã tan biến..." (trích từ "Hơi thở Ấn Độ", Der
Atem Indiens, Hamburg, 1955).
Mặc
dù Thần thông, Tất-địa (sa. siddhi) là một dấu hiệu của sự tiến triển trong quá
trình tu tập nhưng Phật khuyên không nên sử dụng - nếu có khả năng - và không
nên coi trọng nó - nếu đang trên đường tìm Đạo, vì nó vẫn nằm trong thế giới hữu
vi, chưa là biểu hiện của cái tuyệt đối, của chân như.
Giải
thích một cách đơn giản về Giác Ngộ
Chúng
ta có thể hiểu Giác ngộ một cách đơn giản hơn, có thể nói "giác" và
"ngộ" là hai trạng thái mà cái sau cao cấp hơn cái trước. Trong cuộc
sống hàng ngày, trong một khoảng khắc nào đấy con người ta có một cảm giác siêu
việt, linh giác, cảm giác mở rộng, các hiện tượng, sự vật và đựợc hiểu rõ và thấu
triệt không còn nghi ngờ gì nữa thì được gọi là "giác". Giác xuất hiện
trong một thời gian ngắn, bất chợt và không hề có quy luật. Tuy nhiên hiện tượng
này xảy ra nhiều hơn đối với những người hay suy nghĩ, đọc sách và có những sự
liên tưởng cao, tương tự như hiện tượng "thấy trước tương lai".
Giác
như là những lỗ nhỏ, có thể được mở rộng mà cũng có thể bị lấp đi, thông qua những
trải nghiệm của cuộc sống, và nhất là quá trình tu tập, "giác" xuất
hiện thường xuyên hơn, lâu hơn và thấu triệt nhiều vấn đề hơn cho đến một khi
lúc nào cũng ở trong trạng thái ấy, tức là lúc nào cũng có thể thấu triệt các
hiện tượng, hiểu rõ bản chất về tự thân cũng như về mọi vật, hiện tượng xung
quanh không còn một nghi ngờ gì nữa thì được gọi là "ngộ".
Giác
ngộ là một quá trình đi từ nhỏ cho đến lớn, đi từ cái đơn giản cho đến cái phức
tạp minh kiến tất cả và quan trọng hơn hết là minh kiến (nhìn thấy rõ) về bản
thân, trong chữ hoa thì "ngộ" cũng có nghĩa là bản thân, tự thân
tương tự như từ "ngã". Giác ngộ không hoàn toàn chỉ là trạng thái của
các phật đà mà trong đạo giáo cũng có nhắc đến.
Mời
các bạn quan tâm đến đề tài tìm hiểu luận văn có cùng chủ đề “Làm thế nào để
giác ngộ?” tại đường link: http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/53692
Nhận xét
Đăng nhận xét