Kháng nghị theo thủ tục tái thẩm trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam



Pháp luật là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, đảm bảo quyền tự do, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân. Một trong những chủ thể thực hiện vai trò quan trọng trong thi hành pháp luật là cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Tòa án. Nhà nước giao cho Tòa án vai trò “cầm cân nảy mực”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, không phải lúc nào Tòa án cũng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình vì nhiều lý do khác nhau.



Để đảm bảo các bản án, quyết định đưa ra thi hành được đúng đắn thì ngoài việc  quy định hai cấp xét xử, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam còn có các quy định về thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong đó có tái thẩm. Tái thẩm không phải là cấp xét xử thứ ba. Chúng ta có thể coi nó là một thủ tục trong tố tụng hình sự để xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện ra những tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.

 
Thủ tục tái thẩm đã được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự nước ta từ năm 1959 và dần được hoàn thiện cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trên phương diện lý luận hay thực tiễn các quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về tái thẩm còn rất nhiều bất cập như: Khó xác định thẩm quyền, khó xác định căn cứ tái thẩm, số lượng vụ án tái thẩm trên thực tế rất ít…Đồng thời, các quy định về tái thẩm cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn một cách đầy đủ và thống nhất. Chính vì thế, việc nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra phương hướng hoàn thiện các quy định về tái thẩm đang là mối quan tâm rất lớn của các nhà nghiên cứu pháp lý, nhà lập pháp…

 
Điều 290 của Bộ luật Tố tụng hình sự quy định:
“Thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.”
Điều 304 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:
“Tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Toà án, các đương sự không biết được khi Toà án ra bản án, quyết định đó.”
Như vậy, có thể thấy rằng điểm quan trọng nhất để được áp dụng các quy định về tái thẩm là: “phát hiện những tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án đã tuyên trước đó”. Đây là điểm mấu chốt để có thể phân biệt với thủ tục giám đốc thẩm, giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Đối với thủ tục tái thẩm trong tố tụng hình sự:
a. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
“Điều 291. Những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
1. Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật;
2. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai;
3. Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;
4. Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.”
Khi phát hiện một hay nhiều các tình tiết nêu trên, những người có thẩm quyền sẽ ra kháng nghị và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật sẽ được xem xét lại theo thủ tục tái thẩm. Để xem xét bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm được đúng đắn, cần thiết phải điều tra, xác minh và thẩm định các tình tiết mới được phát hiện nên pháp luật tố tụng hình sự qui định chỉ có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp mới có thẩm quyền kháng nghị theo trình tự tái thẩm
b. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
“Điều 293. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
2. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp dưới.
3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự khu vực.
4. Bản kháng nghị của những người quy định tại Điều này phải được gửi cho người bị kết án và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị.”
c. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
“Điều 295. Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
1. Tái thẩm theo hướng không có lợi cho người bị kết án phải tiến hành trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 23 của Bộ luật hình sự và thời hạn kháng nghị không được quá một năm, kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được tin báo về tình tiết mới được phát hiện.
2. Tái thẩm theo hướng có lợi cho người bị kết án thì không hạn chế về thời gian và được tiến hành trong cả trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.
3. Việc kháng nghị về dân sự trong vụ án hình sự đối với nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án được tiến hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Mời các bạn đọc thêm bài viết “Kháng nghị theo thủ tục tái thẩm trong Luật tố tụng hình sự Việt Nam”
Tác giả: Nguyễn Thị Phương Dung

Nhận xét